Viêm khớp dạng thấp là một bệnh lý tự miễn, với những biểu hiện gây sưng đau và hạn chế vận động các khớp. Bệnh có thể tiến triển nhanh chóng gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe của người bệnh. Do đó, cần phát hiện và điều trị sớm nhằm làm chậm quá trình tiến triển của bệnh, giảm nguy cơ xuất hiện biến chứng của viêm khớp dạng thấp.
- Nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ
Viêm khớp dạng thấp là một tình trạng rối loạn mạn tính của hệ miễn dịch. Cho đến nay, vẫn chưa tìm ra được nguyên nhân chính xác của căn bệnh này. Vì vậy, thường dựa trên các yếu tố nguy cơ và cơ chế bệnh sinh của bệnh để điều trị viêm khớp dạng thấp.
Các yếu tố dưới đây có nguy cơ gây viêm khớp dạng thấp:
- Tiền sử người thân trong gia đình bị viêm khớp dạng thấp.
- Thường gặp ở độ tuổi từ 40 – 60, nhưng có thể gặp ở người già và trẻ tuổi.
- Môi trường sống lạnh ẩm kéo dài.
- Hút thuốc lá, thừa cân, béo phì.
- Tỉ lệ mắc bệnh ở nữ giới cao hơn nam giới gấp 2 – 3 lần.
- Triệu chứng
Ở giai đoạn đầu, các triệu chứng viêm khớp dạng thấp thường xảy ra ở các khớp nhỏ – riêng lẻ như khớp ngón tay, cổ tay, bàn tay, mắt cá chân và bàn chân. Khi viêm khớp dạng thấp tiến triển, cơn đau có thể diễn ra ở các khớp lớn hơn như khớp vai, khuỷu tay, đầu gối, hông, xương hàm và cổ.
Biểu hiện đặc trưng của bệnh là viêm khớp đối xứng, gồm các triệu chứng như:
Triệu chứng toàn thân
- Mệt mỏi, chán ăn, khó chịu vào buổi chiều.
- Sốt nhẹ, tay chân ra nhiều mồ hôi, tê bì đầu chi.
- Đau nhức toàn thân dù không vận động mạnh.
- Biến chứng da, mắt, tim, phổi, mạch máu,…
Nhóm triệu chứng tại khớp
Đau, cứng khớp: Phản ứng viêm khiến khớp tổn thương và đau âm ỉ. Đau nhiều về đêm, tăng khi gần sáng và cứng khớp lúc thức dậy ít nhất 30 phút, hạn chế vận động. Đặc biệt, viêm khớp dạng thấp có tính đối xứng, chỉ cần một bên khớp bị viêm đau thì bên còn lại cũng có biểu hiện tương tự.
Sưng, đỏ và nóng da tại vùng khớp bị viêm: Khớp tay, cổ tay, ngón tay hoặc khớp gối, khớp chân bị sưng đỏ do dịch tụ lại trong khớp. Sờ vào thấy ấm và nóng da. Vùng da khớp bị viêm có màu hồng nhạt hoặc đỏ hơn so với vùng xung quanh. Giai đoạn nặng, xuất hiện các nốt thấp khớp (mụn đỏ) trên vùng da khớp tổn thương, các nốt này không gây đau.
- Điều trị và làm giảm triệu chứng
Hiện chưa có biện pháp điều trị hoàn toàn viêm khớp dạng thấp. Các phương pháp hiện tại được sử dụng nhằm kiểm soát triệu chứng, hạn chế tối đa tổn thương khớp và duy trì khả năng vận động của bệnh nhân.
Điều trị viêm khớp dạng thấp gồm thay đổi về lối sống, sử dụng thuốc, phẫu thuật và vật lý trị liệu để phục hồi chứng năng.
Về lối sống
Cân bằng giữa nghỉ ngơi và hoạt động, ngưng hút thuốc lá, bổ sung đầy đủ dinh dưỡng. Khuyến khích đầu tư vào giấc ngủ vì giấc ngủ kém làm tăng cơn đau viêm khớp dạng thấp.
Về sử dụng thuốc
- Thuốc chống thấp khớp điều chỉnh bệnh: Hydroxychloroquine, Leflunomide, Methotrexate,…
- Thuốc chống viêm không Steroid (Nsaid): Naproxen, Ibuprofen, Diclofenac,…
- Thuốc kháng viêm Corticoid: Methylprednisolone, Betamethasone, Hydrocortisone,…
- Các thuốc giảm đau: Paracetamol, Paracetamol kết hợp Tramadol/ Codein,…
Về các biện pháp vật lý
Có thể làm giảm triệu chứng đau hoặc các bệnh thần kinh chèn ép như nẹp khớp, chườm lạnh, dụng cụ hỗ trợ xương bàn chân,… Các liệu pháp này giúp bệnh nhân bị suy yếu có thể thực hiện các hoạt động sinh hoạt hàng ngày.
Nên tập thể dục khi bệnh nhân dung nạp các biện pháp trên. Vận động giúp ngăn co cứng ở tư thế gấp và chườm nóng giúp giảm bớt sự cứng khớp ở bệnh nhân viêm khớp dạng thấp.
Về phương pháp phẫu thuật
Khi bệnh nhân bị tổn thương khớp do viêm khớp dạng thấp trở nên nghiêm trọng, phẫu thuật để phục hồi khả năng vận động. Gồm các phương pháp như phẩu thuật nội soi để loại bỏ tổ chức viêm và màng hoạt dịch viêm, phẫu thuật chỉnh hình để sửa chữa các gân và chỉnh trục khớp, thay khớp nhân tạo.
- Biện pháp phòng ngừa
Viêm khớp dạng thấp có thể được phòng ngừa và kiểm soát nhờ vào các thói quen như:
Bỏ thuốc lá
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), thói quen hút thuốc lá làm tăng đáng kể nguy cơ mắc bệnh viêm khớp dạng thấp. Người hút thuốc có nguy cơ mắc bệnh tăng 1,3 – 2,4 lần so với người không hút. Bênh cạnh đó, hút thuốc còn làm tiến triển nhanh hơn các triệu chứng của bệnh.
Kiểm soát cân nặng
Thừa cân, béo phì có khả năng tiến triển viêm khớp dạng thấp cao hơn. Để phòng bệnh, cần duy trì cân nặng hợp lý bằng cách:
- Tập thể dục đều đặn: Có thể kết hợp những bài tập nặng (squat, tennis, cầu lông,…) với các bài tập nhẹ nhàng (đi bộ, bơi lội, đạp xe…). Tập luyện cũng giúp giảm nguy cơ mất xương – một biến chứng viêm khớp dạng thấp nghiêm trọng, đồng thời hỗ trợ giảm đau và cứng khớp. Nên tránh những bài tập có tác động mạnh trong giai đoạn bùng phát (khi các cơn đau khớp trở nên dữ dội) để hạn chế bệnh trở nên nghiêm trọng hơn.
- Áp dụng chế độ ăn uống lành mạnh: Tăng cường bổ sung ngũ cốc nguyên hạt, rau và trái cây mỗi ngày. Ưu tiên các nguồn protein từ cá, gà thay vì thịt đỏ. Tránh các món ăn nhiều đường, muối và chất béo.
Hạn chế rượu/bia
Rượu có thể tương tác với các loại thuốc đang dùng để điều trị viêm khớp dạng thấp, như Methotrexate có thể gây hại cho gan nên uống rượu có thể làm tăng nguy cơ tổn thương gan.
Hạn chế tiếp xúc với không khí lạnh, môi trường ẩm ướt
Những người thường xuyên làm việc trong môi trường ẩm ướt có nguy cơ mắc viêm đa khớp dạng thấp gấp đôi so với người bình thường. Nên mặc ấm khi ra ngoài vào thời tiết lạnh và duy trì môi trường khô ráo cho cơ thể, nhất là bàn tay và bàn chân.
Khám và điều trị kịp thời
Khi xuất hiện bất kỳ triệu chứng nào của bệnh viêm khớp dạng thấp, người bệnh cần đi khám càng sớm càng tốt. Việc điều trị sớm và tích cực sẽ giúp giảm nguy cơ dẫn đến những tổn thương khớp nghiêm trọng.
Viêm khớp dạng thấp là một bệnh lý phức tạp, nhưng với các giải pháp hiệu quả và hỗ trợ thích hợp, người bệnh có thể kiểm soát và cải thiện chất lượng cuộc sống. Do đó, nên lưu ý sớm các triệu chứng để phát hiện và chữa trị kịp thời, tránh các trường hợp đáng tiếc xảy ra.