Bệnh gút hay thống phong là tình trạng viêm khớp do lắng đọng tinh thể mononatri urat tại khe khớp hoặc mô xung quanh, dẫn đến phản ứng viêm và gây sưng đau dữ dội.
Tần suất mắc bệnh gút tăng theo độ tuổi và bệnh xảy ra ở nam giới cao hơn nữ giới.
I. Cơn gút mạn tính:
Thời gian tiến triển thành gút mạn tính thường sau vài năm đến vài chục năm. Bên cạnh thể điển hình, cũng có thể tối cấp với khớp viêm sưng tấy dữ dội, bệnh nhân đau nhiều những cũng có thể nhẹ, kín đáo, đau ít dễ bị bỏ qua.
Tổn thương có thể ở khớp ban đầu, song thường tổn thương thêm các khớp khác chủ yếu ở chi dưới.
1. Lắng đọng urat:
- Do tích luỹ muối urat hình thành các Tophi dưới da và gây nên bệnh khớp mạn tính do urat.
- Hạt Tophi: Do tích luỹ muối urat kết tủa trong mô liên kết sau nhiều năm, tạo thành các khối nổi dưới da.
- Vị trí: Vành tai, mỏm khuỷu, cạnh các khớp tổn thương, ở bàn chân, bàn tay, cổ tay. Hạt có thể ở trong các gân, nhất là gân Achille.
- Khối không đau, rắn, tròn, số lượng và kích thước thay đổi. Da phủ trên khối bình thường, mỏng, có thể nhìn thấy màu trắng nhạt của các tinh thể urat trong hạt Tophi.
- Bệnh khớp mạn tính do tinh thể urat: Do tích luỹ muối monosodium urat trong mô cạnh khớp, trong sụn và trong xương là nguyên nhân gây thoái hoá sụn khớp, huỷ đầu xương và tăng sinh màng hoạt dịch.
- Viêm nhiều khớp, không đối xứng, kèm theo cứng khớp; khớp viêm sưng kèm biến dạng do huỷ hoại khớp và do các Tophi.
2. Biểu hiện tại thận:
- Sỏi thận: Sỏi nhỏ, không cản quang.
- Tổn thương thận: Lúc đầu chỉ có protein niệu, có thể có kèm theo hồng cầu, bạch cầu vi thể, dần dần tiến đến suy thận. Suy thận thường gặp ở thể có Tophi, tiến triển chậm và là nguyên nhân gây tử vong.
II. Điều trị bệnh gút mạn tính:
1. Điều trị không dùng thuốc:
- Bệnh nhân cần được tư vấn về chế độ ăn (hạn chế thực phẩm có nhiều purin như thịt đỏ và hải sản, hạn chế các thức uống và sản phẩm có hàm lượng frustose cao).
- Tập thể dục thường xuyên.
- Giảm cân nếu thừa cân/béo phì.
- Hạn chế hoặc ngưng sử dụng các thức uống có cồn (đặc biệt là bia), uống đủ nước, sàng lọc và kiểm soát các bệnh kèm (như tăng huyết áp, đái tháo đường, …).
- Khi đã bệnh gút, việc thay đổi lối sống cũng như chế độ ăn có tác động khiêm tốn đến nồng độ acid uric máu, thuốc điều trị cần được bổ sung để kiểm soát tốt tình trạng bệnh.
2. Điều trị dùng thuốc:
Bệnh gút là bệnh xảy ra theo đợt và số đợt cơn gút cấp thay đổi khác nhau tuỳ theo cá thể. Vì vậy, lợi ích của điều trị lâu dài bằng thuốc giảm acid uric máu cần được cân nhắc với chi phí điều trị cũng như độc tính của thuốc.
- Thuốc ức chế xanthin oxidase (Allopurinol):
Allopurinol và chất chuyển hoá Oxipurrinol làm giảm tổng hợp acid uric bằng cách ức chế xanthin oxidase (enzym chuyển hoá hypoxanthin và xanthin thành acid uric).
- Thuốc tăng thải urat (Pegloticase/Rasburicase):
Chuyển hoá acid uric thành alantoin làm giảm acid uric và alantoin có độ hoà tan cao được đào thải qua nước tiểu.
- Thuốc ức chế tái hấp thu acid uric (Probenecid):
Ức chế vận chuyển acid hữu cơ qua hàng rào biểu mô.
Ức chế tái hấp thu acid uric thông qua ức chế chất vận chuyển anion hữu cơ.
Nếu gặp phải các dấu hiệu trên, bạn nên thăm khám để can thiệp kịp thời cho mình sức khỏe ổn định, tránh biến chứng nguy hiểm không đáng có.