I. ĐẠI CƯƠNG VỀ GÚT VÀ TĂNG ACID URIC MÁU
Gút là một trong những rối loạn đã được biết đến từ xa xưa và được xem là “căn bệnh của nhà giàu”. Trong lịch sử, bệnh cảnh của gút được ghi nhận gắn liền với những thay đổi hình thái trên ngón chân cái của người bệnh. Với quan điểm mới, các biểu hiện của bệnh gút xuất hiện đa dạng và phức tạp hơn. Theo định nghĩa hiện nay, gút là tình trạng khiếm khuyết chuyển hoá acid uric dẫn đến hiện tượng viêm khớp hoặc lắng động tinh thể monosodium urat tại các mô mềm, gọi là tophi.
Tăng acid uric máu xảy ra khi nồng độ acid uric trong huyết thanh cao hơn mốc 6.9 mg/dL. Tỷ lệ mới mắc và tỷ lệ hiện mắc của bệnh gút cũng như tình trạng tăng acid uric máu đã tăng lên đáng kể trong vài thập kỉ gần đây, trở thành nguyên nhân hàng đầu gây viêm khớp, ảnh hưởng lên khoảng 8 triệu người Mỹ. Phân loại quốc tế về bệnh tật lần thứ mười (ICD-10) liệt kê các mã từ M10.0 đến M10.9 dành cho gút, các biến thể chính là gút vô căn, gút do chì và gút do thuốc.
Sự hiện diện của gút gần như luôn kèm theo tình trạng tăng acid uric máu. Ngược lại, chỉ khoảng 20% bệnh nhân tăng acid uric máu có biểu hiện lâm sang của gút. Tuy nhiên, những tác động bất lợi của tình trạng tăng acid uric máu không triệu chứng cũng đã được chỉ ra gần đây, bao gồm tăng huyết áp, bệnh động mạch vành, suy thận mạn, béo phì và hội chứng chuyển hoá. Ngoài ra, sự hiện diện của bệnh thận cũng có thể gây cản trở quá trình bài tiết acid qua nước tiểu và dẫn đến sự tích tụ acid uric trong cơ thể.
Trước đây, hầu như chỉ những người thuộc tầng lớp thượng lưu trong xã hội mới có khả năng mắc bệnh gút và tăng acid uric máu do sự “độc quyền” tiếp cận với các loại thực phẩm chứa nhiều purin và chuyển hoá thành acid uric trong cơ thể. Ngày nay, các tầng lớp trong xã hội đều có thể tiếp cận được với chế độ ăn, thúc đẩy sự phát triển của bệnh gút, bao gồm rượu, thức uống có đường fructose, thịt và hải sản. Bên cạnh đó, gút cũng có thể là hậu quả từ vấn đề điều trị các bệnh lý khác như lao, ung thư và tăng huyết áp. Biểu hiện lâm sàng của gút có thể bị trùng lặp với các bệnh lý nhiễm trùng và các tình trạng viêm khớp dạng thấp hoặc viêm khớp vẩy nến. Do đó, việc chẩn đoán xác định đôi khi cũng gặp nhiều thách thức.
II. DỊCH TỄ HỌC BỆNH GÚT VÀ TĂNG ACID URIC MÁU
Bệnh gút là tình trạng viêm khớp phổ biến nhất, ảnh hưởng đến khoảng 4% dân số người trưởng thành tại Hoa Kỳ. Các nghiên cứu dịch tễ trong những năm gần đây đều cho thấy, tỷ lệ mới mắc và tỷ lệ hiện mắc của bệnh gút đang gia tăng ở nhiều quốc gia trên thế giới.
Tại Hoa Kỳ, khoảng 12% bệnh nhân có tiền sử bệnh gút cũng có các thành viên trong gia đình bị ảnh hưởng, khoảng 90% bệnh nhân được chăm sóc ban đầu với bệnh gút là nam giới và độ tuổi cao nhất được chẩn đoán lần đầu phổ biến nhất là 40-50 tuổi. Phụ nữ được ghi nhận tăng nguy cơ mắc bệnh gút sau thời kỳ mãn kinh. Vì vậy, nếu một người phụ nữ đang trong giai đoạn tiền mãn kinh mắc bệnh gút thì đó là một vấn đề rất lạ thường trên lâm sàng.
Nhiều nghiên cứu trên thế giới đã được tiến hành để đánh giá các yếu tố di truyền và các yếu tố môi trường có liên quan đến bệnh gút cũng như tình trạng tăng acid uric máu không triệu chứng. Theo đó, bệnh gút thường có liên quan rõ rệt với các bệnh đi kèm bao gồm tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, béo phì, đái tháo đường, bệnh thận mạn tính và bệnh động mạch vành. Các yếu tố môi trường liên quan đến sự bùng cháy của bệnh lý khớp do căn nguyên gút bao gồm sử dụng nhiều rượu và hải sản, cũng như lạm dụng thuốc lợi tiểu kéo dài.
III. SINH LÝ BỆNH GÚT VÀ TĂNG ACID URIC MÁU
Bệnh gút có biểu hiện lâm sàng phản ánh tình trạng tăng acid uric máu đã hiện diện trong vài năm hoặc thậm chí vài chục năm trước đó. Ngay từ giai đoạn cuối của tuổi vị thành niên, các bé trai đã có thể có tình trạng tăng nồng độ muối urat trong huyết thanh và hoạt dịch, kèm theo sự kết tủa của các tinh thể monosodium urat trên màng hoạt dịch cũng như trên bề mặt sụn.
Sau đó, khi tình trạng bệnh tiếp tục diễn tiến, những nốt tophi nhỏ sẽ được hình thành trên sụn và màng hoạt dịch, còn các nốt tophi lớn sẽ được hình thành trong mô mềm. Sự thay đổi đáng kể nồng độ muối urat trong hoạt dịch (tăng hoặc giảm nhanh chóng) sẽ dẫn đến sự mất ổn định của các nốt tophi nhỏ trong khu vực nội khớp và kéo theo sự giải phóng các tinh thể urat tự do. Khi đó, các tinh thể này sẽ gắn lên thụ thể trên các tế bào miễn dịch và kích hoạt quá trình viêm. Sự lắng đọng các tinh thể monosodium urat tiềm ẩn và sự hình thành các nốt tophi có thể được khảo sát thông qua một phương thức mới là chụp cắt lớp vi tính năng lượng kép DECT.
Sự kết tinh monosodium urat trong khớp chính là nguyên nhân cơ bản trong diễn tiến của bệnh gút, liên quan với tình trạng tăng cao nồng độ acid uric trong huyết thanh. Nguy cơ phát triển bệnh gút tăng theo mức độ và thời gian tiến triển của quá trình tăng acid uric máu.
Các nguyên nhân gây tăng acid uric máu được phân thành 3 nhóm khác nhau là tăng sản xuất, bài tiết kém và nguyên nhân hỗn hợp. Trong đó, tình trạng không bài tiết đủ acid uric qua thận là nguyên nhân của 90% bệnh nhân mắc bệnh gút, còn đáp ứng sản xuất acid uric quá mức chỉ đóng góp vào khoảng 10% bệnh nhân mắc bệnh gút.
Tài liệu tham khảo: Bệnh gút từ khoa học cơ sở đến thực hành lâm sàng.