Bệnh gút thường có xu hướng tăng cao nhất trong dịp Tết đến xuân về. Thời điểm này, hầu hết mọi người có rất nhiều kế hoạch ăn uống, tụ tập bạn bè và gia đình. Sau những ngày tết, không ít bệnh nhân phát hiện ra bản thân đã ủ mầm bệnh gút từ lúc nào không biết.
Ngày tết bệnh gút dễ khởi phát nặng
Trong cơ thể acid uric là sản phẩm thoái giáng từ các hợp chất có nhân purin, được thải trừ chủ yếu qua thận. Acid uric được hình thành từ purin nội sinh (sản xuất trong quá trình chuyển biến của các chất acid nucleotid trong cơ thể) hoặc purin ngoại sinh (có trong thức ăn, đồ uống: hải sản, thịt đỏ, nội tạng động vật, bia, rượu,…).
Nguyên nhân chính của bệnh gút là trong cơ thể dư một lượng lớn acid uric trong máu không thể đào thải ra ngoài được và tích tụ tại các khớp tạo thành các tinh thể acid uric. Các tinh thể này thường xuất hiện tại các khớp ngón chân cái đầu tiên và gây ra sưng đỏ rất khó chịu cho người bệnh.
Trong khi dịp lễ Tết tiệc tùng gia đình tụ họp, các bữa ăn thịnh soạn là không thể thiếu. Các loại trái cây sấy, bánh kẹo ngọt chứa đường fructose cũng làm tăng acid uric.
Nếu người bệnh gút không kiểm soát chế độ ăn thì nguy cơ bệnh gút bùng phát là điều không tránh khỏi.
Chế độ ăn khoa học không gây cơn gút cấp
Những thực phẩm người bệnh gút nên tránh:
Theo các chuyên gia, bệnh gút có mối liên quan chặt chẽ với chế độ ăn, do đó, trong ngày tết, người bệnh cần hết sức tỉnh táo trước những thực phẩm sau đây:
- Các loại thịt đỏ (thịt bò, thịt ngựa, thịt trâu, thịt dê): Chứa lượng đạm cao nên khi người bệnh gút ăn nhiều sẽ dẫn đến dư thừa protein, sản sinh và gia tăng acid uric.
- Phủ tạng động vật (tim, gan, thận, lá lách, lòng, phổi): Có lượng cholesterol và purin khá cao nên có thể gây ra các cơn đau gút cấp bất cứ lúc nào.
- Hải sản (cua, ghẹ, sò, tôm, ngao, cá trích, cá ngừ): Chứa hàm lượng dinh dưỡng cao, người bệnh gút ăn vào sẽ sản sinh acid uric.
- Gà tây, thịt ngỗng, trứng vịt lộn: Chứa hàm lượng purin cao, do đó bệnh nhân gút nên tránh ăn các loại thịt này.
- Nem chua: Vị chua trong nem được sinh ra từ thính gạo và thịt lợn có thể khiến acid uric sản sinh nhanh hơn.
- Một số loại rau (măng tây, măng tre, nấm, giá đỗ, các loại đậu đỗ, dọc mùng, cải bó xôi, bông cải): Chứa nhiều nhân purin nên không an toàn cho người mắc gút.
- Thực phẩm giàu chất béo (mỡ, da động vật, đồ chiên rán) và chế biến với chất béo (mì tôm, thức ăn nhanh): Người bệnh gút cũng cần hạn chế nhằm giảm tốc độ tổng hợp acid uric trong cơ thể và chế ngự cơn đau gút thành công.
- Bánh chưng, dưa hành, thịt đông: Nếu bánh chưng làm tăng sưng viêm thì thịt đông có chứa nhiều chất béo và dưa hành lại có hàm lượng muối cao. Ba thực phẩm này không tốt cho người bị gút, người bị suy thận có kèm tăng huyết áp cao hoặc bị phù.
- Socola trắng (sữa), bánh kẹo: Người bệnh gút cũng nên hạn chế để tránh thừa cân hoặc đường tăng cao gây tiểu đường, làm trầm trọng hơn tình trạng bệnh gút.
- Nước ngọt, nước tăng lực: Làm tăng nguy cơ kết tủa urat ở ống thận, tăng nguy cơ mắc gút và sỏi thận nên không tốt cho người bệnh gút.
- Rượu, bia, đồ uống có gas: Gây tăng sản xuất acid uric và giảm đào thải urat qua thận.
Những thực phẩm người bệnh gút khuyên dùng:
Danh sách những đồ ăn, thức uống cần nên kiêng trong dịp tết dài dằng dặc khiến nhiều người bệnh gút nản lòng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, người bệnh gút vẫn có thể ăn các chất đạm trong phạm vi cho phép với khoảng 1.800 kcal/ ngày, trong đó có khoảng 100 – 150g thịt/ngày và 400g rau xanh, trái cây…
Các thực phẩm người bệnh gút nên tăng cường sử dụng trong dịp tết bao gồm:
- Rau xanh, trái cây: Rau cải bẹ xanh, rau cần, rau muống, rau ngót, lá lốt, rau cải xoong, cà rốt, gấc, cà chua, bí đỏ và các loại quả dưa hấu, nho, táo, lê, đu đủ chín… vừa ít nhân purin, vừa giàu vitamin C, E, rất tốt cho người bệnh gút.
- Tích cực ăn thực phẩm ít purin: Ngũ cốc, bơ, các loại hạt… đặc biệt trứng, sữa không chứa purin nên người bệnh gút nên thường xuyên sử dụng.
- Tăng cường thực phẩm giàu chất xơ như dưa leo, củ sắn, cà chua… giúp làm chậm quá trình hấp thu đạm, làm giảm sự hình thành acid uric.
- Uống 2 – 3 lít nước mỗi ngày giúp cơ thể đào thải acid uric ra ngoài bằng đường nước tiểu và hạn chế kết tinh urat tại ống thận.
Hi vọng khi xem qua bài viết bạn sẽ có những thông tin cần thiết và bổ ích về những thực phẩm bệnh nhân bệnh gút nên kiêng và nên ăn. Cân bằng chế độ dinh dưỡng, ăn uống khoa học thì việc điều trị bệnh gút sẽ đạt hiệu quả cao.