Suy giãn tĩnh mạch và bệnh trĩ là hai bệnh lý khá phổ biến, có thể xảy ra ở nhiều độ tuổi. Hai căn bệnh này thường ít nguy hiểm nhưng dễ tiến triển nặng hơn nếu để lâu ngày, gây khó khăn cho điều trị và tốn kém về kinh tế.
Bệnh trĩ và suy giãn tĩnh mạch có liên hệ với nhau như thế nào?
Suy giãn tĩnh mạch và trĩ có xu hướng trẻ hóa do công việc, lối sống và thói quen cộng đồng ngày càng ít vận động. Ngồi hoặc đứng ở một tư thế trong thời gian dài dẫn đến máu bị ứ trệ. Điều này có thể dẫn đến các dấu hiệu đầu tiên của bệnh suy giãn tĩnh mạch là đau, sưng, nặng chân hoặc chuột rút về cuối ngày hoặc các tĩnh mạch trực tràng giãn rộng gây ra trĩ.
Bệnh trĩ và suy giãn tĩnh mạch chi dưới đều xảy ra do nguyên nhân liên quan đến tĩnh mạch. Bệnh suy giãn tĩnh mạch và bệnh trĩ là hai căn bệnh thường gặp và giữa chúng có mối liên quan khá mật thiết. Bởi cả hai căn bệnh này đều xuất phát từ nguyên nhân là do tĩnh mạch bị áp lực dẫn đến bị giãn nở quá mức, sưng và xoắn tĩnh mạch. Thông thường, giãn tĩnh mạch hình thành ở chân, nhưng chúng cũng có thể xuất hiện ở các bộ phận khác của cơ thể. Khi giãn tĩnh mạch hình thành trong trực tràng và gặp các yếu tố nguy cơ sẽ gây ra các triệu chứng như chảy máu, đau, sa trĩ… chúng được gọi là bệnh trĩ.
Các tĩnh mạch có van một chiều giúp máu lưu thông về tim. Áp lực hoặc sự suy yếu của các van này tạo điều kiện cho máu trào ngược trở lại và tích tụ trong các tĩnh mạch. Điều này gây ra các phản ứng viêm do ứ trệ tuần hoàn, dẫn tới đau, sưng, nặng chân. Về lâu dài các tĩnh mạch chi dưới giãn ra và hậu quả có thể rất khó lường như loét, thuyên tắc huyết khối. Bệnh trĩ là kết quả khi các tĩnh mạch trực tràng bị sa, chảy máu, đau, sưng.
Bệnh trĩ có thể phát triển do áp lực quá mức ở vùng chậu và trực tràng, có thể trở nên tồi tệ hơn, nhất là khi bị táo bón. Tiêu chảy và táo bón tạo áp lực quá mức lên các tĩnh mạch. Tăng cân và mang thai cũng là yếu tố tăng nguy cơ và làm trầm trọng thêm tình trạng bệnh trĩ.
Phòng ngừa và điều trị
Kết quả nghiên cứu gần 5.620 người đăng trên Thư viện Y khoa Mỹ cho thấy, có hơn 50% bệnh nhân suy tĩnh mạch có triệu chứng trĩ cấp. Hiểu rõ hơn về hai căn bệnh này sẽ giúp người bệnh nhận diện, điều trị đúng cách và phòng ngừa tái phát.
Tùy từng trường hợp cụ thể mà các bác sĩ sẽ chỉ định điều trị cho phù hợp.
- Thay đổi thói quen sinh hoạt và công việc hằng ngày: tránh đứng lâu hoặc ngồi bất động kéo dài, uống nhiều nước, giảm cân khi bị thừa cân.
- Điều trị nội khoa (tùy trường hợp mà sử dụng thuốc): giảm đau, kháng viêm, kháng sinh, chống đông, làm tan cục máu, làm bền thành mạch (diosmin kết hợp hesperidin,..).
- Điều trị phẫu thuật xâm lấn.
Vì vậy, với một bệnh mạn tính, thành công của việc điều trị phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Trong đó quan trọng nhất ngoài việc chẩn đoán chính xác, điều trị hiệu quả mà còn phụ thuộc vào việc hiểu biết của bệnh nhân về tình trạng bệnh tật và tuân thủ theo điều trị và các vấn đề phòng bệnh.