Bệnh gút có thể ảnh hưởng khá nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của người mắc bệnh. Đây là một bệnh lý do tăng hàm lượng axid uric trong máu, dẫn đến sự tạo thành các tinh thể urate trong các khớp.
Nguyên nhân tăng sản xuất acid uric
Tăng acid uric gây ra do tăng sản sinh acid uric và/hoặc giảm thải trừ acid uric.
Tăng sản sinh acid uric hoặc urat:
- Do rối loạn chuyển hoá một số men tham gia vào quá trình chuyển hoá acid uric, có thể là rối loạn tiên phát hoặc mắc phải. Đó là sự thiếu hụt men Hypoxanthine-guanine phosphoribosyl transferase (HGPRT) hoặc tăng hoạt tính của enzym Phosphoribosyl pyrophosphate synthetase (PRPP) dẫn đến tăng tổng hợp purin.
- Do tăng dị hoá các acid nhân nội sinh (tiêu tế bào): bệnh tăng sinh tuỷ và lympho, bệnh tan máu, bệnh ác tính, béo phì, thuốc độc tế bào. Hoặc sử dụng thức ăn nhiều nhân purin (gan, thận, tôm,…).
Giảm thải trừ acid uric máu:
- Suy thận, suy tim, cường cận giáp, tăng huyết áp, mất nước, sử dụng thuốc (lợi tiểu đặc biệt là thiazid, salicylat liều thấp, cyclosporin).
Nguyên nhân gây bệnh gút
Bệnh gút nguyên phát:
- Nguyên nhân chưa rõ ràng.
- Bệnh có tính chất gia đình, khởi phát do sử dụng thức ăn có chứa nhân purin và uống quá nhiều rượu.
- Do tăng dị hoá các acid nhân nội sinh (tiêu tế bào): bệnh tăng sinh tuỷ và lympho, bệnh tan máu, bệnh ác tính, béo phì, thuốc độc tế bào. Hoặc sử dụng thức ăn nhiều nhân purin (gan, thận, hải sản như tôm, cua,…).
Bệnh gút thứ phát:
- Do suy thận nói riêng và các bệnh lý làm giảm độ thanh lọc acid uric của cầu thận.
- Bệnh về máu: bệnh bạch cầu cấp.
- Sử dụng các thuốc ức chế tế bào để điều trị các bệnh ác tính, thuốc chống lao (ethambutol, pyrazinamid).
- Các yếu tố nguy cơ của bệnh là tăng huyết áp, béo phì và hội chứng chuyển hoá, tăng insulin máu và sự đề kháng insulin, uống nhiều rượu.
Bệnh gút do bất thường enzym:
- Do rối loạn chuyển hoá bẩm sinh thiếu hụt hoàn toàn hoặc một phần men HGPRT hoặc có thể có tăng hoạt tính của men PRPP.
Điều trị
Chế độ ăn uống – sinh hoạt:
- Tránh sử dụng các loại thực phẩm có nhiều purin như tạng động vật, các loại thịt đỏ (thịt chó, dê, trâu, bò), các loại hải sản, nấm, socola,… Có thể ăn trứng, sữa, hoa quả. Ăn thịt không quá 150g/ngày.
- Không uống rượu bia, cần giảm cân đạt trọng lượng mức sinh lý, tập luyện thể dục thể thao.
Điều trị nội khoa:
- Điều trị nội khoa bằng các thuốc điều trị gút.
- Các thuốc giảm đau và chống viêm trong điều trị dự phòng cơn gút cấp: Thuốc giảm đau chống viêm không steroid (NSAID), Colchicin, Corticosteroid.
- Các thuốc hạ acid uric máu: Thuốc ức chế xanthin oxidase, Thuốc tăng thải urat, Thuốc ức chế tái hấp thu acid uric.
Điều trị ngoại khoa:
- Phẫu thuật cắt bỏ hạt Tophi được chỉ định trong trường hợp gút làm biến chứng loét, bội nhiễm hạt Tophi hoặc hạt Tophi kích thước lớn.
Dự phòng:
- Chế độ sinh hoạt hợp lí, giảm tiêu thụ thực phẩm giàu purin, chất béo,…
- Điều trị tốt các bệnh lý gây bệnh gút thứ phát như suy thận, do thuốc, các bệnh lý chuyển hoá,…
Với bệnh nhân được mắc bệnh gút, thuốc điều trị cần được lựa chọn dựa trên đặc điểm và mong muốn của người bệnh nhằm làm giảm triệu chứng, phòng ngừa cơn gút cấp và cải thiện chất lượng cuộc sống. Cần đánh giá kỹ tình trạng bệnh nhân trước khi bắt đầu dùng thuốc.