Bệnh gút có thể được kiểm soát bằng thuốc, chế độ ăn uống phù hợp và thay đổi lối sống. Chế độ ăn có ảnh hưởng rất lớn đến việc điều trị và dự phòng bệnh gút tái phát. Do đó, để hạn chế tối đa các biến chứng của bệnh gút gây ra và đảm bảo được việc cung cấp đầy đủ năng lượng cho cuộc sống hàng ngày thì người bệnh cần tuân thủ một chế độ dinh dưỡng nghiêm ngặt.
Xây dựng một chế độ ăn hợp lý cho người bệnh gút
Để đảm bảo hạn chế được tối đa biến chứng do bệnh gút gây ra thì chế độ ăn cho người bị gút cần có đủ năng lượng, đồng thời có các chất dinh dưỡng cần thiết theo nhu cầu dinh dưỡng của người bệnh. Theo đó, chế độ ăn cho người bị tăng acid uric có cân nặng trong giới hạn bình thường cần tránh tình trạng thừa cân béo phì nhưng phải đảm bảo đủ dinh dưỡng, tránh dẫn đến suy dinh dưỡng.
Lượng chất đạm (protein) rất cần thiết cho cơ thể nhưng chế độ ăn sẽ được cân đối ở mức độ vừa phải, tránh tình trạng dung nạp quá nhiều mục đích để giảm lượng purin trong bữa ăn, vì chất này có nhiều trong các thực phẩm giàu chất đạm, nhất là các loại thịt đỏ. Ngoài ra, chất béo cũng cần thiết cho cơ thể nhưng nếu ăn quá nhiều có thể khiến lượng mỡ dư thừa gây ra bệnh thừa cân béo phì, tăng mỡ máu.
Thực phẩm nên sử dụng và bổ sung hàng ngày đối với người mắc bệnh gút
- Nên bổ sung thêm 500 – 1000 mg vitamin C hàng ngày.
- Uống nhiều nước hàng ngày để tăng cường đào thải acid uric, nên uống nước khoáng kiềm.
- Nên ăn các loại thịt có màu trắng, đồng thời hạn chế ăn các loại thịt đỏ, vì thịt có màu trắng thường ít purin hơn. Có thể duy trì lượng protein cần thiết mỗi ngày là 50 – 100 g.
- Nên sử dụng các loại thực phẩm có chức năng đào thải acid uric trong máu như dâu tây, cải bẹ xanh, cam, bưởi, …
- Nên thay thế các loại dầu ăn thông thường bằng dầu ô liu, dầu lạc, dầu vừng…. để giảm bớt lượng chất béo.
- Trong các món ăn hàng ngày nên ăn các món hấp, luộc, hạn chế tối đa các món ăn chiên, xào chứa nhiều dầu mỡ.
- Có thể sử dụng các thực phẩm chứa tinh bột và các loại rau củ bởi các loại tinh bột giàu carbohydrate là loại thực phẩm quan trọng đối với người bệnh gút. Đặc biệt các thực phẩm này đều chứa một lượng purin an toàn. Người bệnh có thể ăn các loại rau xanh, dưa chuột, súp lơ, mì, miến, bún, khoai, bánh mì, ngũ cốc,…
Thực phẩm mà người mắc bệnh gút nên hạn chế sử dụng
Những thực phẩm người mắc bệnh gút cần tránh là các thực phẩm có chứa lượng purin cao như các loại hải sản, nội tạng động vật, các loại động vật có vỏ (sò, ốc, hến…..). Hầu hết, các thực phẩm đều dễ dàng làm tăng nguy cơ hình thành bệnh gút cấp tính. Ngoài ra, người bệnh gút cần kiêng một số thực phẩm sau đây:
- Một số loại rau không tốt cho người bệnh gút là cải bắp, cải bó xôi, măng tây và nấm.
- Hạn chế lượng chất béo trong khẩu phần ăn hàng ngày bằng cách chọn thịt nạc, không ăn da động vật và các sản phẩm sữa ít chất béo.
- Tránh các loại hoa quả chua, đồ lên men như dưa cà muối, các loại nấm, măng, giá đỗ trong thực đơn bởi chúng có thể làm tăng tốc độ tổng hợp acid uric trong cơ thể.
- Tránh uống rượu bởi rượu làm gia tăng sự tạo acid uric trong gan và ngăn cản thận thải acid uric.
- Một số loại gia vị như ớt, hạt tiêu cũng nên dùng hạn chế vì sử dụng các loại gia vị này có thể gây hưng phấn thần kinh tự chủ gây tái phát bệnh gút.
Chế độ ăn uống hàng ngày có ảnh hưởng rất lớn đến việc điều trị bệnh, do đó những người mắc bệnh gút cần duy trì chế độ dinh dưỡng hợp lý. Một chế độ ăn uống tốt nhất cho bệnh gút có thể giúp làm giảm các triệu chứng và ngăn ngừa các cơn đau dữ dội do gút cấp tính gây ra.