Thời tiết thay đổi thất thường và không khí ô nhiễm, nhiều bụi mịn khiến cho các bệnh đường hô hấp ngày càng phổ biến tạo điều kiện cho các tác nhân gây bệnh hô hấp như cúm, phế cầu,…dễ dàng tấn công và gây biến chứng nhanh chóng cho các đối tượng trẻ em, người cao tuổi. Tỷ lệ mắc bệnh đường hô hấp nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách sẽ tiến triển sang viêm phổi cùng nhiều biến chứng nguy hiểm khác, đe dọa tính mạng.
- Hệ thống hô hấp của cơ thể
Hệ hô hấp có cấu tạo cơ bản chia thành 2 phần, nắp thanh quản được lấy làm ranh giới:
Đường hô hấp trên nằm ở vị trí dưới thanh quản, bao gồm: Mũi, họng, xoang, hầu, thanh quản. Nhiệm vụ của các cơ quan này là đưa không khí vào bên trong, làm ấm không khí trước khi đưa vào phổi.
Đường hô hấp dưới nằm dưới nắp thanh quản, bao gồm: Khí quản, cây phế quản, phế nang, màng phổi, phổi… có nhiệm vụ trao đổi khí, lọc không khí.
- Bệnh đường hô hấp là gì?
Bệnh hô hấp là bệnh lý gây ảnh hưởng đến các cơ quan, các mô trong phổi, hệ thống đường thở làm cho quá trình trao đổi khí trở nên khó khăn hơn. Các bệnh về đường hô hấp có thể nhẹ, tuy nhiên, bệnh cũng cũng có thể đe dọa đến tính mạng khi biến chứng gây viêm phổi cấp, suy hô hấp…
Bệnh đường hô hấp phổ biến thường gặp nhất ở trẻ em, diễn ra theo mùa ở nước ta và nhiều nước trên thế giới. Số lượng ca bệnh tăng cao đột biến vào tháng 10 đến tháng 12 hàng năm. Số liệu cập nhật từ Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố Hồ Chí Minh, chỉ trong tháng 10/2023, đã có tới gần 5000 trẻ mắc bệnh hô hấp: hen suyễn, viêm phế quản, viêm phổi, nhiễm khuẩn đường hô hấp,… Trong đó, 7-8% trẻ phải nhập viện điều trị.
- Phân loại bệnh đường hô hấp
Phân loại bệnh đường hô hấp được dựa theo mức độ và vị trí bị bệnh. Cụ thể:
- Phân theo mức độ
Bệnh hô hấp cấp tính
Các bệnh hô hấp cấp tính bao gồm: viêm họng cấp tính, viêm tai giữa cấp tính, cảm lạnh, viêm phế quản, viêm phổi, viêm tiểu phế quản,… thường là các bệnh nhiễm khuẩn đường thở, từ tai, mũi, họng, đường dẫn khí đến phổi. Đây là các bệnh đường hô hấp thường gặp trong cộng đồng, là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho trẻ em và người lớn.
Bệnh hô hấp mạn tính
Bệnh hô hấp mạn tính thường gặp bao gồm: Bệnh hen phế quản, giãn phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính,… Các bệnh đường hô hấp mạn tính này gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe, gây ra gánh nặng kinh tế, ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình.
- Phân theo vị trí bị bệnh
Bệnh đường hô hấp trên
Các cơ quan thuộc đường hô hấp trên tiếp xúc trực tiếp với môi trường bên ngoài nên rất dễ bị tấn công bởi các tác nhân: virus, vi khuẩn, nấm,… gây ra các bệnh: viêm tai giữa, viêm xoang, viêm amidan, viêm họng,…
Bệnh đường hô hấp dưới
Các bệnh viêm đường hô hấp dưới bao gồm: viêm phế quản, viêm phổi, viêm tiểu phế quản, lao phổi,… Trong đó, mức độ nghiêm trọng của các bệnh viêm đường hô hấp dưới cũng cao hơn bệnh đường hô hấp trên.
- Cách phòng ngừa các bệnh đường hô hấp
Mỗi người có thể chủ động phòng ngừa các bệnh đường hô hấp bằng cách hạn chế ảnh hưởng từ tác nhân gây bệnh lên cơ thể. Một số giải pháp phòng ngừa hiệu quả được các chuyên gia y tế khuyến cáo như: tiêm chủng, có chế độ dinh dưỡng khoa học, vệ sinh cá nhân sạch sẽ, bỏ thói quen xấu như hút thuốc,…
– Tiêm chủng: Chủ động tiêm chủng phòng các bệnh hô hấp như ho gà, viêm phổi, cảm cúm, viêm tai giữa,… được xem là giải pháp đơn giản, tiết kiệm và hiệu quả. Tiêm chủng đầy đủ các loại vắc xin giúp giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh đường hô hấp, hạn chế biến chứng nặng và giảm nguy cơ tử vong. Các mũi tiêm phòng bệnh đường hô hấp nên được tiêm đầy đủ để tăng cường miễn dịch, chủ động phòng ngừa bệnh đường hô hấp cho bản thân và gia đình.
– Tích cực vệ sinh cá nhân và môi trường: Luôn vệ sinh cá nhân sạch sẽ, rửa tay bằng xà phòng, vệ sinh họng, mũi hàng ngày để chủ động phòng bệnh. Ngoài ra, để hạn chế tiếp xúc và lây bệnh do tác nhân từ bên ngoài, nên vệ sinh không gian sống sạch sẽ, sử dụng máy lọc không khí trong phòng, hút bụi và thay ga giường thường xuyên,…
– Chế độ dinh dưỡng khoa học: Bổ sung các thực phẩm thiết yếu, hỗ trợ tăng cường hệ miễn dịch, sức đề kháng của cơ thể: rau xanh, hoa quả tươi, thực phẩm chức năng,…
– Tăng cường thể dục thể thao: Tập thể dục giúp cơ thể khỏe mạnh, sản sinh kháng thể tốt chống lại tác nhân gây bệnh.
– Giữ ấm cơ thể: Giữ ấm cho cơ thể giúp ngăn ngừa cảm lạnh, cúm và các vấn đề về đường hô hấp nghiêm trọng khác.
– Bỏ các thói quen xấu như hút thuốc: Hút thuốc lá là nguyên nhân chính gây bệnh mạn tính như viêm họng, hen suyễn, viêm phế quản, viêm xoang,…Vì vậy, nên bỏ thuốc lá càng sớm càng tốt để bảo vệ sức khỏe.
- Điều trị bệnh đường hô hấp
Các bệnh lý đường hô hấp chủ yếu do virus gây ra. Do đó, phương pháp điều trị chủ yếu là tập trung vào điều trị các triệu chứng bệnh. Hầu hết có thể tự điều trị khỏi tại nhà mà không cần đến thăm khám bác sĩ và sử dụng thuốc. Ngoài ra, nếu tình trạng viêm đường hô hấp do vi khuẩn gây ra, có thể sử dụng các loại thuốc kháng sinh để điều trị.
Trong trường hợp bệnh nặng liên quan đến chức năng phổi, việc điều trị cần được chỉ định từ bác sĩ bao gồm: Sử dụng các loại thuốc đặc trị, phẫu thuật, sử dụng nguồn cung cấp oxy bổ sung, hoạt động phục hồi chức năng phổi,…
Bệnh hô hấp là một bệnh lý rất thường gặp ở cả trẻ em và người lớn, có thể gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng nếu không kịp thời phát hiện và điều trị. NAFARMA hy vọng những thông tin trên sẽ giúp các bạn hiểu thêm về bệnh lý thường gặp này để có thể bảo vệ sức khoẻ bản thân tốt nhất nhé!